Điều cần chú ý khi đi du học: Phần III: Học tập trong môi trường mới (1)

Pictures: Books and Glasses (*)

Xin lỗi vì mải luận văn nên để chuỗi các bài viết dang dở quá lâu. Bây giờ sẽ tiếp tục phần III, chia sẻ kinh nghiệm học tập ở môi trường ngoài nước mà tớ thu lượm được sau gần hai năm ở châu Âu. Tớ nghĩ đi nghĩ lại, không biết nên viết phần này theo hướng nào, và nội dung ra sao, vì châu Âu thì quá rộng lớn và đa dạng, và lĩnh vực thì “mênh mang bể sở” khó tìm được một mô hình áp dụng chung. Thôi, đơn giản là hạn chế chủ đề lại, nói về kinh nghiệm đèn sách trong các ngành xã hội học, bậc học Thạc sĩ, ở trong môi trường học thuật của châu Âu. Trước hết, tớ bàn luận lý thuyết một chút về bậc học Thạc sĩ và bản chất của KHXH để các bạn suy ngẫm về con đường mình đang đi và ra cái đích mà mình cần đến.

Bậc học Thạc sĩ: Trước hết, cần phải hiểu vị trí của bậc học cao học trong hệ thống giáo dục và những mục tiêu cụ thể mà các học viên cao học cần hướng đến. Có lẽ cần phải tham khảo thêm những nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục để giải thích tại sao lại phân chia thành cử nhân (đại học), Thạc sĩ (Cao học), và Tiến sĩ (nghiên cứu sinh). Trước yêu cầu ngày càng lớn của hội nhập trong giáo dục ở châu Âu, tiến trình Bologna được xây dựng nhằm thống nhất và hài hoà hoá những khác biệt trong hệ thống giáo dục và bằng cấp giữa các quốc gia thành viên. Các nền giáo dục châu Âu đang trong quá trình chuẩn hoá theo hệ thống Cử nhân (Bachelor, từ 180-240 ECTS [1] credits), Thạc sĩ / Cao học (Master, từ 90-120 ECTS credits), và Tiến Sĩ (không có tiêu chuẩn về số lượng học trình). Một năm học tương đương với 60 ECTS credits, tức là khoảng 1500 – 1800 giờ học.

Theo quan sát và nhận xét cá nhân của tôi, ở bậc Đại học, nhiệm vụ trọng tâm là cho và nhận những kiến thức cơ bản và chuyên ngành. Ở cấp độ này, giáo sư đóng vai trò quan trọng trong truyền đạt kiến thức, hướng dẫn quá trình tìm kiếm và thu nạp kiến thức của sinh viên. Ở cấp độ Cao học (Thạc sĩ), sinh viên chủ động hơn trong quá trình định hướng tư duy và giáo sư giúp họ nắm bắt các cách tiếp cận khác nhau, các phương pháp khác nhau. Ở bậc học này, các buổi xê-mi-na là chủ yếu trong đó vai trò của giáo sư là gợi ý vấn đề thảo luận, giải thích các hệ thống phương pháp luận khác nhau và hướng dẫn nghiên cứu thứ cấp. Các bài luận ở cấp độ này, kể cả luận văn tốt nghiệp, chủ yếu là nắm bắt các tri thức chuyên ngành hiện có. Vì vậy, các bài luận bậc Thạc sĩ đa phần không yêu cầu những tìm tòi mới, chủ yếu nặng về trích dẫn, nhưng việc trích dẫn luôn được quy định hết sức chặt chẽ. Sau khi tốt nghiệp, học viên Cao học đòi hỏi phải nắm bắt được hầu hết các cách tiếp cận và các phương pháp cơ bản đương đại (state-of-the-art) trong chuyên ngành mình học, chứ không phải đơn thuần là “tiếp thu kiến thức đã có để định hướng nghiên cứu sau này hoặc xem những vấn đề người khác nghiên cứu và giải quyết như thế nào” như một giáo sư Việt Nam đã phát biểu.

Cấp độ Tiến sĩ (PhD) đề cao quá trình nghiên cứu độc lập và sáng tạo dựa trên hệ thống tri thức của trình độ Thạc sĩ. Nghiên cứu ở cấp độ này ở mức độ hẹp và sâu hơn, đòi hỏi phải tạo ra những tri thức mời. Ở đây phải hiểu thế nào là nghiên cứu gốc / nguồn (original research). Luận án thể hiện quá trình và kết quả nghiên cứu, và kết quả phải được kiểm định và chứng minh là “mới”, không trùng lặp với những kết quả hiện có. Theo tôi hiểu, những nghiên cứu ở trình độ Tiến sĩ phải dựa trên một hệ phương pháp luận cụ thể (methodology) – đó là một hệ thống hoàn chỉnh từ khái niệm hoá (conceptual framework), cách tiếp cận (approach), lý thuyết (theory) đến các phương pháp (methods) và quá trình con (processes) để tạo ra tri thức chứ không phải đơn giản là dung một “phương pháp” (method). Chính vì vậy, nghiên cứu sinh phải nắm được toàn bộ tiến trình và thành tựu nghiên cứu trước đó trong lĩnh vực của mình (landscape of the research problems), trên cơ sở đó tìm ra những điểm khiếm khuyết (deficiency model), những khe hổng trong cách tiếp cận, trên cơ sở đó phát triển hướng đi mới, hệ thống phương pháp luận mới để bù đắp vào ‘lỗ hổng’ đó.[2]

Đặc tính của KHXH: Cần phải hiểu thêm về bản chất của đặc tính của khoa học xã hội (KHXH) trong so sánh với khoa học tự nhiên (KHTN) để nắm được con đường đi chung, hình thành quan điểm cá nhân với KHXH. Điểm khác nhau cơ bản của các môn KHTN là việc tìm hiểu các quá trình tự nhiên tồn tại ngoài ý thức / tư duy của con người, thì KHXH nghiên cứu những quy luật vận động của xã hội loài người. Ví dụ, một phản ứng hoá học diễn ra nằm ngoài tác động của ý thức con người. Trong đó, chính trị học nghiên cưú các hệ thống và các hành vi chính trị (quá trình hình thành quyền lực và quyết định), và những nhân tố này là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố tư duy. Nói một cách khác, tính khách quan của KHTN rõ ràng hơn, và được kiểm chứng dễ dàng hơn bằng qua các phép thử, các thí nghiệm (experiments). Còn KHXH là qúa trình tư duy về tư duy, các phép thử đều không thể đảm bảo được tính khách quan tuyệt đối, và thách thức lớn nhất của KHXH là sự giải mã “quá trình tư duy/ ý thức của con người / hay những vận động của não bộ ở mỗi người”. Tại sao đối với cùng một sự vật, hiện tượng xã hội và tâm lý con người, mỗi người lại có suy nghĩ, tư duy và đánh giá khác nhau, trong khi đó nhìn vào các hiện tượng tự nhiên, như phản ứng hóa học, gió, mưa, phép tính 1+1 = 2 trong hệ thập phân, chúng ta tìm được sự đồng thuận tương đối tuyệt đối. Một điều chắc chắn rằng, không tồn tại một sự khách quan tuyệt đối nào trong KHXH, hoặc cho đến nay, người ta chưa tìm được những quy luật bao trùm nào chi phối sự vận động của xã hội loài người. Rất nhiều hệ thống lý thuyết, mô hình luận giải ra đời để giải mã một vấn đề, một hiện tượng, một chiều hướng xã hội, nhưng các lỗ hổng luôn tồn tại.

….

[*] Ảnh từ: careerbright.planacareer.com
[1] ECTS là đơn vị học trình chuẩn của châu Âu, viết tắt của European Credit Transfer System
[2] Phần này đã được đăng trong bài báo của tôi phản biện trên báo Vietimes:
http://www.vietimes.com.vn/vn/bandocvatoasoan/4026/index.viet

Visitor Map